Tin tức & Sự kiện

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại Công ty TNHH PVChem-Tech

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại Công ty TNHH PVChem-Tech

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là dịp đặc biệt để tôn vinh những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong xã hội và nơi làm việc. Tại Công ty TNHH PVChem-Tech, phối hợp cùng BCH Công đoàn CSTV Công ty, một sự kiện ấm cúng và đầy ý nghĩa đã được tổ chức để tôn vinh những nữ nhân viên, những người đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của công ty.
Mở đầu chương trình, ông Đỗ Thành Trung - Giám đốc Công ty TNHH PVChem-Tech đại diện Ban lãnh đạo Công ty đã có bài phát biểu chân thành, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong Công ty và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các nữ cán bộ nhân viên. Ông khẳng định rằng sự cống hiến và tinh thần trách nhiệm của chị em không chỉ giúp Công ty ngày càng phát triển mà còn góp phần xây dựng môi trường làm việc hòa đồng, gắn kết.
 

Ông Đỗ Thành Trung tặng hoa cho Chủ tịch CĐCSTV PVChem-Tech
Tiếp theo, Ông Hà Duy Tân - Chủ tịch Công ty TNHH PVChem-Tech đã lên tặng hoa và có đôi lời chia sẻ, động viên. Chủ tịch bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực của các nữ nhân viên, không chỉ trong công việc mà còn trong vai trò giữ lửa hạnh phúc gia đình. Những lời động viên chân thành đã tiếp thêm động lực để chị em tiếp tục cống hiến và phát huy tài năng của mình.
 

Tập thể PVChem-Tech chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Thay mặt chị em, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch CĐCSTV Công ty, bày tỏ lòng cám ơn sâu sắc Ban Lãnh đạo và các anh em đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để chị em phát huy năng lực và khẳng định vị thế của mình. Chủ tịch Công đoàn mong rằng các chị em sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, giữ vững tinh thần không ngừng học hỏi, sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Tổng Công ty.. 
Sự kiện khép lại trong không khí vui vẻ, đầm ấm, mang đến những khoảnh khắc đáng nhớ và gắn kết hơn giữa các thành viên trong Công ty. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh phụ nữ mà còn là cơ hội để toàn thể các thành viên PVChem-Tech thấu hiểu, sẻ chia và cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đầy tình thân ái. Công ty TNHH PVChem-Tech hy vọng rằng, không chỉ trong ngày 8/3 mà suốt cả năm, tất cả các nữ nhân viên luôn cảm nhận được sự quan tâm và trân trọng từ đồng nghiệp cũng như Ban Lãnh đạo.
 

Các tin khác

Petrovietnam: Tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh bền vững

Petrovietnam: Tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh bền vững

Petrovietnam: Tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh bền vững

Một tin vui lớn đến với người lao động Dầu khí, ngày 9/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Từ đây, Tập đoàn có sứ mệnh to lớn hơn, tập trung đổi mới công nghệ, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước

 

Việc chuyển đổi tên gọi là một bước chuyển mình về bản chất của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam. Trong ảnh, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trao quyết định đổi tên Tập đoàn cho Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng và Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn
 
Đây là một bước đi mang tính chiến lược, thể hiện rõ định hướng phát triển dài hạn của đất nước trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu.

Tên gọi mới của Tập đoàn thể hiện tầm nhìn rộng mở, không còn gói gọn trong lĩnh vực dầu khí, mà mở rộng ra các lĩnh vực công nghiệp - năng lượng, khẳng định vai trò chủ lực trong việc dẫn dắt ngành công nghiệp - năng lượng quốc gia. Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước phù hợp với xu thế thế giới đang hướng tới năng lượng sạch, phát triển bền vững. Việc tái định danh giúp Petrovietnam chủ động hơn trong tham gia các liên minh, tổ chức quốc tế về năng lượng xanh.

Với định vị là trụ cột năng lượng quốc gia, Petrovietnam hoàn toàn có thể nâng tầm hợp tác với các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới như Siemens (Đức), GE, EDF, TotalEnergies (Pháp)... không chỉ trong lĩnh vực dầu khí mà cả trong hydrogen, điện gió, điện mặt trời, lưu trữ năng lượng. Từ đây, Tập đoàn có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị năng lượng, dịch vụ kỹ thuật, xuất khẩu công nghệ - điều trước nay Việt Nam còn khá “khiêm tốn”. Từ đây, chúng ta có cơ hội thúc đẩy “ngoại giao xanh”, tham gia mạnh mẽ vào các cam kết về carbon thấp, COP và tận dụng các gói hỗ trợ tài chính - công nghệ từ các tổ chức quốc tế.
 

Tên gọi mới của Petrovietnam mở rộng ra các lĩnh vực công nghiệp - năng lượng
 
Nếu nhìn dài hạn, đây không chỉ là một cú “rebrand” (làm mới thương hiệu), mà là một bước chuyển mình về bản chất.

Trong định hướng chiến lược, Petrovietnam xác định, tập trung xây dựng Tập đoàn có tiềm lực mạnh, quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao; tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh bền vững. Petrovietnam xác định tập trung phát triển trên 3 trụ cột chiến lược: Năng lượng - Công nghiệp - Dịch vụ, trong đó Năng lượng là trụ cột cốt lõi và giữ mối quan hệ tương hỗ giữa 3 trụ cột.

Hiểu trụ cột năng lượng là cốt lõi thế nào cho đúng? Đó là phải xác định sứ mệnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp các sản phẩm năng lượng thiết yếu cho nền kinh tế. Đồng thời, phát triển thích ứng trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng bằng việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đầu tư vào năng lượng tái tạo/năng lượng mới và các dạng năng lượng sạch; bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị dầu khí truyền thống (thăm dò, khai thác, sản xuất xăng dầu), phát triển công nghiệp khí, LNG, mở rộng sang năng lượng tái tạo/năng lượng mới như điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, hydro xanh, amoniac xanh...

Phát triển năng lượng tái tạo/năng lượng mới là hướng đi chiến lược, tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế quốc tế của Tập đoàn. Nghiên cứu, cập nhật công nghệ, tập trung nguồn lực để thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
 

Năng lượng là trụ cột cốt lõi, việc ưu tiên phát triển lĩnh vực này là bước đi tất yếu, không chỉ để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mà còn để tạo “nền móng” cho hai trụ cột còn lại là Công nghiệp và Dịch vụ cùng phát triển bền vững
 
Khi xác định Năng lượng là trụ cột cốt lõi, việc ưu tiên phát triển lĩnh vực này là bước đi tất yếu, không chỉ để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mà còn để tạo “nền móng” cho hai trụ cột còn lại là Công nghiệp và Dịch vụ cùng phát triển bền vững.

Tại sao phải ưu tiên Năng lượng trước? Là vì, năng lượng là điều kiện tiên quyết cho phát triển công nghiệp (điện cho sản xuất, nhiệt cho chế biến...). Rồi dịch vụ kỹ thuật dầu khí - công nghiệp - hàng hải - logistics năng lượng, cũng đều xoay quanh cái lõi là năng lượng. Và điều quan trọng hơn cả, năng lượng là vấn đề chiến lược quốc gia, liên quan trực tiếp đến độc lập, tự chủ và an ninh kinh tế.

Ưu tiên trụ cột Năng lượng cần được hiểu là, tái cơ cấu lĩnh vực Năng lượng theo hướng đa dạng và bền vững. Không chỉ tập trung vào dầu khí truyền thống mà phải tập trung phát triển điện khí LNG (điện khí hóa, kết hợp với các dự án kho cảng LNG). Đồng thời, đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo: điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối. Thí điểm và mở rộng nghiên cứu hydrogen xanh, amoniac xanh, lưu trữ năng lượng.
 

Petrovietnam đã và sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng công nghiệp năng lượng hiện đại
 
Trong những bước đi tiếp theo, phải tăng quyền tự chủ, thu hút đầu tư và đối tác quốc tế. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để Petrovietnam trở thành chủ đầu tư chính trong các dự án điện lớn. Phát triển hạ tầng năng lượng hiện đại theo hướng xây dựng hệ thống kho cảng, truyền tải, lưu trữ năng lượng quy mô lớn; đầu tư vào lưới điện thông minh, nền tảng số hóa quản lý năng lượng.

Được mang tên Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam là niềm phấn khởi, tự hào to lớn, đồng thời cũng là trọng trách thiêng liêng, thôi thúc Petrovietnam không ngừng đổi mới, sáng tạo và kiên trì trên hành trình phụng sự Tổ quốc bằng nguồn năng lượng của khát vọng và trí tuệ Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc.